Xã hội hóa, truyền thông thông tin trong công tác PCCC và CNCH tại các doanh nghiệp

PCCC

Truyền thông trong công tác PCCC

Xã hội hóa thông tin, truyền thông trong công tác PCCC và CNCH tại các doanh nghiệp được hiểu là việc huy động sức mạnh của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp, người quản lý, sử dụng lao động và người lao động tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH nhằm tạo ra bước chuyển biến về nhận thức và hành động trong hoạt động PCCC và CNCH tại cơ sở, góp phần bảo vệ tính mạng con người và bảo vệ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Từ khái niệm trên cho thấy, việc thực hiện xã hội hóa thông tin, truyền thông về PCCC và CNCH giữ một vai trò quan trọng trong việc nâng cao ý thức, trang bị kiến thức cho người đứng đầu cơ sở, người quản lý, sử dụng lao động và người lao động trong các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp thực hiện tốt công tác PCCC và CNCH. Thông tin là nội dung, truyền thông là phương tiện để đưa kiến thức về PCCC và CNCH đến với doanh nghiệp, sự kết hợp giữa thông tin và truyền thông trong công tác PCCC và CNCH, nhất là khi được xã hội hóa sẽ tạo điều kiện cho kiến thức được phủ rộng, tạo điều kiện cho nhiều người lao động tiếp xúc, học hỏi về pháp luật, kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH. Từ đó hình thành hành động đúng đắn trong công tác PCCC và CNCH. Theo Luật phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH cho mọi người trong phạm vi quản lý của mình… Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác PCCC và CNCH đồng thời thúc đẩy xã hội hóa công tác này.

Thực hiện xã hội hóa thông tin, truyền thông về PCCC và CNCH tại các doanh nghiệp sẽ huy động được sự tham gia tích cực của đông đảo các cơ quan, tổ chức và các cá nhân trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC và CNCH, giúp người quản lý, sử dụng lao động, người lao động có thể rút ngắn được thời gian, thu hẹp khoảng cách về không gian, tiết kiệm chi phí để đón nhận những kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH cần thiết trong đời sống và sản xuất, kinh doanh. Trong môi trường xã hội hóa có định hướng, các cá nhân phải luôn nỗ lực tự xã hội hóa chính mình, hình thành ý thức hoàn toàn tự giác trong thực hiện nội quy, quy định an toàn PCCC và CNCH. Những người tham gia vào quá trình lao động, sản xuất tại doanh nghiệp sẽ chủ động hơn trong công tác PCCC và CNCH và có nhiều cơ hội để phát huy những sáng kiến, những mô hình tốt, hiệu quả trong công tác PCCC và CNCH. Quan trọng hơn, việc vận dụng các kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH vào thực tế công tác PCCC và CNCH sẽ làm hạn chế số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, bảo vệ tính mạng của người lao động và tài sản của doanh nghiệp. Trong quá trình xã hội hóa thông tin, truyền thông về PCCC và CNCH với sự tham gia của các cơ quan chức năng, các cơ quan truyền thông đại chúng, những thông tin đưa ra được chọn lọc và mang tính định hướng cao, giúp trang bị kiến thức một cách cơ bản và hệ thống. Qua các kênh thông tin này, các doanh nghiệp có cơ hội trao đổi, chia sẻ thông tin, tạo sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong việc tổ chức và triển khai các biện pháp PCCC và CNCH. Đồng thời, những thông tin về doanh nghiệp được tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng, góp phần tạo nên uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp với đối tác và người sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp.

Thực hiện xã hội hóa thông tin, truyền thông trong công tác PCCC và CNCH tại các doanh nghiệp là một phần việc quan trọng trong mục tiêu xã hội hóa công tác PCCC và CNCH của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH. Hằng năm, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã tham mưu, đề xuất Bộ Công an có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, các ngành, các đơn vị, cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền PCCC và CNCH; trực tiếp xây dựng các tài liệu chuyên đề, in và phát hành hàng ngàn khuyến cáo, sách, tờ rơi, tranh ảnh về PCCC và CNCH cung cấp cho các doanh nghiệp tuyên truyền tại cơ sở; tập trung mở những đợt cao điểm tuyên truyền đậm nét về PCCC và CNCH trong dịp “Ngày toàn dân PCCC” (04.10), dịp mùa hanh khô và Tết Nguyên đán, thời gian mà các doanh nghiệp gấp rút hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất năm. Trong thời gian qua, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã trực tiếp triển khai nhiều biện pháp thông tin, truyền thông hướng về cơ sở với những hình thức đa dạng, phong phú như tổ chức các cuộc thi, hội thao, hội thảo, tổ chức tuyên truyền trực quan về PCCC và CNCH; xây dựng các video, clip hướng dẫn an toàn PCCC và CNCH, xây dựng và phát sóng các tin, phóng sự truyền hình, tọa đàm về đề tài PCCC và CNCH trong các doanh nghiệp…

Từ thực tế công tác PCCC và CNCH, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Hải Phòng, Công an TP Hải Phòng đã tham mưu, đề xuất Giám đốc Công an thành phố có kế hoạch phối hợp với các đơn vị chức năng và Công an các quận, huyện khảo sát xây dựng các cụm cơ quan, doanh nghiệp an toàn PCCC. Các doanh nghiệp trong Cụm thường xuyên tổ chức công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức, kiến thức PCCC cho CBCNV, kẻ vẽ hàng trăm khẩu hiệu, panô, áp phích tuyên truyền PCCC; tổ chức thi tìm hiểu Luật PCCC trong các cụm. Nhiều doanh nghiệp có sáng tạo trong công tác tuyên truyền như tổ chức biên soạn và phát tờ rơi tuyên truyền các nguy cơ cháy nổ và cách sử dụng gas an toàn tới người tiêu dùng; triển khai tuyên truyền qua thư điện tử từ văn phòng đến tất cả các đơn vị trong Công ty để cung cấp thông tin và văn bản pháp quy. Các đơn vị trong cụm thường xuyên chăm lo, củng cố, xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ, đảm bảo 100% doanh nghiệp có Ban chỉ huy về PCCC, có đội PCCC cơ sở; nhiều cụm xây dựng phương án chữa cháy có sự phối hợp của các doanh nghiệp… Đến nay, trên địa bàn thành phố đã có tổng số 8 cụm cơ quan, doanh nghiệp an toàn PCCC với trên 100 đơn vị tham gia hoạt động tích cực, hiệu quả, không để xảy ra các vụ cháy, nổ lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng. Đây là một trong những mô hình tiêu biểu trong công tác PCCC đang được áp dụng sáng tạo ở nhiều địa phương trên cả nước .

Tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Phòng cháy và chữa cháy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy, các Chỉ thị, Nghị quyết của Chính phủ, Quốc hội, trong những năm qua, phong trào quần chúng PCCC và CNCH phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng. Đến nay, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH cả nước đã xây dựng được 179.661 đội PCCC cơ sở với 2.025.409 đội viên làm nòng cốt trong phong trào PCCC ở cơ sở. Chỉ tính riêng năm 2020, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã tổ chức củng cố 18.1060 đội PCCC cơ sở, dân phòng và chuyên ngành với tổng số 171.857 đội viên; xây dựng mới 5.289 đội PCCC cơ sở, dân phòng, chuyên ngành với 49.105 đội viên.

Cùng với việc trực tiếp triển khai các biện pháp công tác thông tin, tuyên truyền, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã luôn chủ động trong việc phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền. Trong 5 năm gần đây, trung bình mỗi năm các cơ quan thông tin đại chúng đã xây dựng và đăng phát khoảng 4.000 tin, bài, phóng sự truyền hình, phim khoa giáo về PCCC, trong đó có hàng trăm tin, bài, phóng sự, phỏng vấn, trao đổi, tọa đàm… về công tác tại các doanh nghiệp. Trong những thời kỳ cao điểm như mùa hanh khô, Tết Nguyên đán, Ngày Toàn dân PCCC hằng năm, các cơ quan báo chí cũng đã tích cực chủ động tuyên truyền và cảnh báo các nguy cơ cháy; những vấn đề mang tính thời sự trong công tác PCCC tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, khu công nghiệp cũng đã được dư luận hết sức quan tâm. Nhiều cơ quan báo, đài của Trung ương và địa phương đã mở các chuyên mục, các chuyên trang, ra số chuyên đề về PCCC. Sự tham gia của cơ quan báo chí vào công tác thông tin, truyền thông đã tác động lớn đến nhận thức về công tác Phòng cháy chữa cháy của các cơ sở, doanh nghiệp, và toàn xã hội, góp phần quan trọng vào quá trình xã hội hóa công tác PCCC.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền và vận động phong trào quần chúng tại các cơ sở, doanh nghiệp nên ý thức, kiến thức, kỹ năng của bộ phận lớn người lao động được nâng lên rõ rệt, mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác phòng ngừa và chữa cháy, CNCH tại cơ sở, doanh nghiệp. Số vụ cháy do người lao động bất cẩn gây ra trong những năm trước đây chiếm khoảng 55% thì đến năm 2020 chỉ còn khoảng trên 30 %. Đặc biệt số vụ cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng đã được kiềm chế ở mức 0,72 % một năm. Lực lượng Phòng cháy chữa cháy cơ sở hoạt động có hiệu quả, đã phát hiện và tổ chức dập tắt ngay từ khi mới phát sinh khoảng 50% số vụ cháy, không để xảy ra các vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng.

Thực hiện xã hội hóa thông tin, truyền thông về PCCC và CNCH tại các doanh nghiệp trong thời gian qua đã được tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả, nhất là trong các doanh nghiệp có nhiều nguy cơ cháy nổ cao. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nơi, lãnh đạo cơ sở chưa quan tâm đầu tư cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC và CNCH cho người lao động, sợ ảnh hưởng đến thời gian sản xuất, kinh phí huấn luyện, phương tiện tập luyện… Về phía người lao động chưa thấy hết trách nhiệm của mình trong việc PCCC và CNCH nên còn chủ quan, coi công tác PCCC và CNCH là của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, của chủ cơ sở. Do đó, số vụ cháy do sơ suất, bất cẩn, vi phạm các quy định an toàn còn chiếm tỷ lệ cao, thiệt hại về người và tài sản do cháy gây ra tại các doanh nghiệp còn nghiêm trọng. Trong thời gian tới, để việc thực hiện xã hội hóa công tác thông tin, truyền thông tại các doanh nghiệp đạt được kết quả cao hơn, chúng tôi xin đưa ra một số kinh nghiệm và giải pháp sau:

– Xã hội hóa thông tin, truyền thông về PCCC và CNCH tại các doanh nghiệp không phải là sự chuyển giao hoàn toàn nhiệm vụ thông tin, truyền thông cho doanh nghiệp mà là sự kết hợp giữa tính chủ động và quyền tự chủ trong việc thông tin, truyền thông về PCCC và CNCH của doanh nghiệp với việc tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước của cơ quan quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH. Điều này sẽ tạo ra động lực quan trọng trong công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và kiến thức, kỹ năng về PCCC trong các doanh nghiệp, từng bước xã hội hóa công tác này.

– Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH cần tiếp tục nghiên cứu, đổi mới giáo trình huấn luyện nghiệp vụ theo hướng chuyên sâu đối với từng đối tượng huấn luyện, tiếp tục cải tiến và duy trì hình thức tuyên truyền cổ động trực quan về PCCC và CNCH, đồng thời tăng cường kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác tuyên truyền, phòng nổ để việc thực hiện công tác này trở thành nề nếp và đạt hiệu quả ngày càng cao; tích cực hơn nữa trong việc thực hiện thông tin, truyền thông hướng về cơ sở, mở các lớp huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC và CNCH cho người đứng đầu cơ sở, người quản lý, sử dụng lao động và người lao động để họ thấy rõ quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện công tác PCCC và CNCH tại cơ sở của mình, từ đó có sự quan tâm đầu tư đúng mức về thời gian và vật chất cho công tác này. Đối với người lao động cần tập trung tuyên truyền về trách nhiệm theo quy định của pháp luật, và quyền lợi thiết thân trong việc tuân thủ các quy định an toàn PCCC và CNCH là để bảo vệ tính mạng của chính mình, bảo vệ sản xuất phát triển để có việc làm và thu nhập ổn định. Từ đó, định hướng cho họ sự tự giác chủ động tìm hiểu, học tập và trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về Phòng cháy chữa cháy.

– Xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ tiểu giáo viên về PCCC và CNCH làm nòng cốt trong phong trào PCCC và CNCH tại cơ sở. Đảm bảo định kỳ cung cấp thông tin với những nội dung phù hợp với trình độ, nhận thức của người lao động và đặc thù của các doanh nghiệp; thường xuyên cải tiến các hình thức tuyên truyền sao cho đa dạng, phong phú, thu hút được sự quan tâm của của doanh nghiệp.

– Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan PCCC và CNCH và cơ quan An toàn lao động trong thực hiện công tác gắn với công tác bảo hộ lao động, an toàn lao động, tạo ra sự liên kết chặt chẽ trong việc triển khai công tác này tại cơ sở, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí.

– Tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức; tuyên truyền gương người tốt, việc tốt và các điển hình tiên tiến trong công tác PCCC và CNCH nhằm động viên, khích lệ phong trào Toàn dân phát triển cả bề rộng và chiều sâu.

– Đối với doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC và CNCH: xây dựng kế hoạch thông tin, tuyên truyền cụ thể, tăng cường các hình thức tuyên truyền tại chỗ như: niêm yết nội quy PCCC, hệ thống biển chỉ dẫn hướng và đường thoát nạn, biển cấm lửa, tranh hướng dẫn PCCC; phát hành các khuyến cáo PCCC và CNCH đến các tổ, đội, phân xưởng sản xuất; phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống loa truyền thanh tại cơ sở để tuyên truyền vào các thời điểm dễ xảy ra cháy như khi bắt đầu giờ làm việc, giờ nghỉ giao ca…; định kỳ tổ chức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng và huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH cho người quản lý và sử dụng lao động, người lao động, lực lượng bảo vệ, vệ sinh viên, lực lượng PCCC cơ sở và những người trực tiếp làm việc trong môi trường có nguy hiểm cháy, nổ; tích cực tổ chức các hoạt động truyền thông dân gian như biển diễn văn nghệ, tọa đàm, trao đổi về PCCC và CNCH giữa người đứng đầu cơ sở với người lao động, tọa đàm trong các tổ, đội sản xuất về các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC và CNCH, an toàn lao động…

Xem thêm:

Nguồn: canhsatpccc.gov.vn

Thông tin liên hệ:

CÔNG TY CỔ PHẦN TM-XD PCCC QUỐC AN
Đ/C: Quoc An Building 231/18 Nguyễn Phúc Chu, P15, Q. Tân Bình, Tp. HCM
Hotline: 0907080979 – 028.2247.1234
Email: quocan@quocanpccc.com
Website: quocanpccc.com / thietbipccc24h.com

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *